Vững vàng những bước chân Tình nguyện
Với tinh thần “ Lá lành đùm lá rách”, chung tay vì cộng đồng, sáng ngày 23 – 12 – 2012 vừa qua, Đội công tác xã hội trường Đại học khoa Học Huế đã có một hành trình tình nguyện về với các em nhỏ xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đóng vai trò là cầu nối mang yêu thương, sự quan tâm chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn đến từ nhiều tấm lòng hảo tâm, chương trình Áo ấm mùa đông năm nay của Đội đã mang hàng trăm phần quà gồm chăn màn, áo quần, sách vở, bánh kẹo . . . đến trao cho các em nhỏ và các họ gia đình khó khăn. Chặng đường hoạt động từ lúc chương trình chỉ là lý thuyết trên giấy tờ đến khi được thực hiện là cả một câu chuyện dài và ý nghĩa mà chúng tôi muốn chia sẻ.
Được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban giám hiệu trường Đại học Khoa Học Huế và lãnh đạo xã Hồng Trung, đồng thời tiếp nối thành công từ những chương trình trước. Bản kế hoạch về chương trình đã được chúng tôi xây dựng, phát động hơn một tháng trước khi chương trình được tổ chức. Để có được nguồn kinh phí, ngoài những lá thư ngỏ xin tài trợ được gửi đến quý cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm, hơn 100 bạn tình nguyện viên của Đội đã rong ruổi khắp những nẻo đường của thành phố Huế để xin quyên góp. Hành trang các bạn mang theo là những nụ cười và những thông điệp truyền đi yêu thương để kêu gọi và kết nối những tấm lòng vàng. Quên đi những giọt mồ hôi ướt đẫm, hay cái rét căm căm khi trời chuyển lạnh, ngọn lửa của khát vọng tuổi trẻ được đi, được cống hiến, chung tay vì cộng đồng chưa bào giờ tắt. Sau khi có được nguồn kinh phí đủ để thực hiện chương trình, trước mắt chúng tôi là hàng trăm công việc phải lo. Những buổi sinh hoạt trò chơi, giao lưu văn nghệ mỗi lần họp Đội giờ đây phải tạm gác lại để tập trung cho chương trình, nhưng hiếm khi nào phòng họp Đội có một ghế trống. Làm sao cho chương trình được thành công, mang đến nhiều niềm vui là điều trăn trở đồng thời là mục tiêu, động lực của toàn Đội.
Một tháng nhanh chóng trôi qua, các công việc cơ bản đã được hoàn thành. Ngày 23-12-2012, ngày chương trình được tổ chức không biết từ bao giờ đã tồn tại trong tâm thức mỗi chúng tôi sự chờ đợi, ngóng trông. Phải nói rằng chuyến đi ngày hôm đó là một trải nghiệm đầy ý nghĩa với nhiều cung bậc cảm xúc, ranh giới về khoảng cách địa lí, về ngôn ngữ hoàn toàn bị phá vỡ, chưa bao giờ cái lạnh quyện trong cái mệt mỏi của thể xác lại bị đánh gục một cách quá dễ dàng đến như vậy. Đó là những cung bậc cảm xúc, những điều mà chỉ chúng tôi – những người được tham gia chuyến đi này mới cảm nhận chân thật và sâu sắc nhất.
Sáng đó, chúng tôi đến địa phận của huyện A Lưới, trước mắt chúng tôi là khung cảnh heo hút của núi rừng, những ngôi nhà đơn sơ dưới những tán cây, một vài hàng quán sơ sài ven đường, những bóng người nhỏ bé tất bật đội mưa lên rẫy . . . Càng đi sâu vào trong cái nét trần trụi, hoang sơ ấy lại càng hiện ra rõ rệt sự khắc khổ, nhọc nhằn in hình trên từng nóc nhà bạc màu theo thời gian, trên những khuôn mặt sạm màu mưa nắng với cái nhìn lạ lẫm pha chút tò mò khi chúng tôi đi qua. Không khí trên xe bỗng trầm hẳn lại bởi đây là những xã nằm gần con đường quốc lộ xuống thành phố Huế, còn Hồng Trung – Hồng Trung xa xôi mà chúng tôi phải đi hơn 80km đường đèo mới dặt chân lên đước sẽ còn khó khăn đến mức nào nữa?.
Rồi cái đoạn đường trắc trở với những ngọn đèo uốn lượn, lên xuống tiếp nối nhau cũng dần hiện ra. Hai chiếc Ôtô chở chúng tôi lúc thì ì ạch chạy lên cái dốc tẳng đứng, lúc thì mon men theo những con đường mòn quanh co, khúc khuỷu dưới chân núi. Vì trời mưa hơn nữa nhiều đoạn đường đang dang dở thi công nên việc di chuyển của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, không ít ban bị say xe và mệt mỏi, nhưng đúng với tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ không lúc nào vắng đi những bài hát về khát vọng tình nguyện, các bạn luôn miệng động viên, khích lệ nhau. Đoạn đường dường như trở nên bằng phẳng hơn bởi một luồng không khí mới của ngọn lửa của khát vọng tình nguyện trong chúng tôi luôn hừng hực cháy, nóng bừng và bất diệt, đó còn là của tình bạn, tình anh em và những ánh mắt biết cười dưới làn da đen nhẻm của các em nơi Hồng Trung thân yêu đang vẫy gọi.
Sau gần ba tiếng đồng hồ vượt đèo gian nan, cuối cùng chúng tôi cũng đến được địa điểm tổ chức, trường tiểu học Hồng Trung. Đón đoàn chúng tôi trong cái mưa rả rích khá nặng hạt và cái lạnh se sắt gấp nhiều lần so với thành phố Huế. Hồng Trung đúng như trong tưởng tượng của chúng tôi, đó là một vùng đất nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sau khi nghỉ ngơi chúng tôi bắt đầu tập trung điểm danh và phân công việc, mặc dù còn rất mệt mỏi sau chuyến đi dài nhưng với các bạn nghỉ ngơi trong khi những thành viên khác làm việc với không khí chuẩn bị rộn ràng như thế này thì quả là một thiệt thòi lớn. Bằng tinh thần ấy chúng tôi kết thúc công việc được giao khá nhanh chóng. Sau khi nghỉ ngơi để ăn trưa, đội chúng tôi còn đến 2 tiếng đồng hồ nữa để chuẩn bị cho chương trình chính thức, lúc này ngoài cửa đã có vài em học sinh, các em nhìn chúng tôi bén lẽn, ngại ngùng, sau một vài phút làm quen với các em, bớt đi những lạ lẫm ban đầu các em đều thoải mái trò chuyện, ngô nghê với những câu trả lời hồn nhiên nhưng rất đáng thương. “Nếu nhận được bánh kẹo, em sẽ để dành ăn mỗi ngày một ít thôi” một em bé lớp ba chia sẻ, một câu nói mà sau chúng tôi cứ nhắc nhau mãi, thấy cảm giác gì đó cứ nao nao trong lòng. Chỉ còn hơn 30 phút nữa là chương trình Áo ấm mùa đông 2012 bắt đầu sân trường lúc này đủ sắc màu các loại áo mưa, các em với thân hình nhỏ bé hăm hở đến trường trong cái mưa rả rích, các bậc phụ huynh cũng đến rất đông. Đúng 14h chương trình chính thức bắt đầu, có đồng hành từ lúc chương trình được phát động đến tận hôm nay chúng tôi mới thấm thía nó chẳng khác gì đứa con tinh thần mà toàn Đội luôn tâm huyết và hết mình. Chương trình mở màn bằng những tiết mục văn nghệ sôi động của các bạn tình nguyện viên. Sau phần phát biểu của lãnh đạo Trường Đại học khoa Học, của xã Hồng Trung là phần trao quà, gần 200 suất quà với tổng giá trị 40 triệu đồng được trao cho các em, ngoài ra còn dành 80 suất quà đặc biệt dành tặng cho các gia đình khó khăn thuộc diện chính sách trên địa bàn xã.
Bắt gặp những đôi mắt hấp háy ánh lên niềm vui của các em khi nhận quà, chúng tôi thật sự xúc động – giây phút này thật quá đỗi thiêng liêng và ý nghĩa. Khoảnh khắc này suốt một tháng qua luôn tồn tại trong mỗi chúng tôi với vai trò là nguồn động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy chúng tôi làm việc hăng say. Đại diện cho các em học sinh lên nhận phát biểu cảm nghĩ, em Hồ Thị Giang – lớp 5 đã bày tỏ niềm vui và sự xúc động của mình. Em đại diện cho các bạn gửi lời cảm ơn đến chúng tôi, nhưng tự đáy lòng mình chúng tôi lại muốn dành lời nói ấy để nói lại với các em. Cảm ơn các em đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm thật quý báu, giúp chúng tôi nhận ra giá trị của bản thân mình, nhận ra giá trị của cuộc sống là tình yêu, yêu thương những mảnh đời khốn khó, chật vật áo cơm của người dân để các em được đến trường, yêu thương những miền quê nghèo khó đâu đó trên đất nước mình.
Nhớ mãi lúc đội chúng tôi phải lên xe chở về Huế trong sự lưu luyến, bâng khuâng của những người ở lại. Giây phút tạm biệt những cái bắt tay, những lời nhắn như hẹn ngày trở lại cứ bịn rịn, quyến luyến. Xe rời bánh chuyển dần về phía con đường lớn trong làn mưa cuối ngày vẫn chưa dứt, những ánh mắt trẻ thơ của các em vẫn cứ đau đáu dõi theo chúng tôi. Bất giác tôi như nhớ lại Hương nguyên – nơi mà 1 năm trước chúng tôi thực hiện chương trình như thế này, cũng vẫn ánh mắt ấy, vẫn không khí chia tay bồi hồi trong một chiều mưa, sợi tơ cảm xúc được chạm vào khẽ rung lên. Chợt thấy yêu quá công việc mình đang làm, thấy thương quá, nhớ quá những nụ cười, ánh mắt lấp lánh, nhớ quá con người Hồng Trung hiền hậu mến khách. Rồi Hồng Trung - những nỗi nhớ chưa xa mà đã vỡ oà trong tim, chúng tôi sẽ lại đi, lại đến những vùng đất khó khăn khác. Mỗi chuyến đi tình nguyện như hôm nay lại tiếp thêm cho mỗi chúng tôi nguồn năng lượng vô giá thúc đẩy những bước chân tình nguyện của chúng tôi đi nhiều hơn, xa hơn. Mang nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần tình nguyện vì cộng đồng được lan toả, đem đến nhiều yêu thương, nhiều nụ cười như đúng với tinh thần và tên gọi của chúng tôi – Đội Công tác xã hội.
Bài viết: Bảo Uyên