Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục

Giáo dục ĐH Việt Nam tiếp cận chuẩn mực chất lượng quốc tế

 

GD&TĐ - GDĐH Việt Nam vừa liên tục đón nhận các tin vui liên quan đến xếp hạng: Bảng xếp hạng Scimagor Country Ranking xếp Việt Nam ở hạng 60/239 quốc gia và vùng lãnh thổ (giai đoạn 1996-2017), Bảng xếp hạng A3 Ranking xếp Việt Nam ở thứ 53/150 nước. Đưa ra đánh giá trước thông tin này, TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (GD), ĐHQG Hà Nội – cho rằng:

 

 

Giáo dục ĐH Việt Nam tiếp cận chuẩn mực chất lượng quốc tế

 

"Điều dễ nhận thấy nhất là năng lực hội nhập quốc tế và năng lực NCKH của GD ĐH Việt Nam đang gia tăng khá mạnh, thể hiện qua số lượng, chất lượng và mức độ lan tỏa quốc tế của các công trình NCKH, của hoạt động đổi mới sáng tạo tại các trường ĐH.

Scimagor Country Ranking và A3 Ranking thực hiện xếp hạng các quốc gia theo các chỉ số đầu ra của hoạt động nghiên cứu và đào tạo.

Nếu như bảng xếp hạng Scimagor căn cứ trên tổng số lượng công trình khoa học được trích dẫn, tổng số lượt trích dẫn, số lượt trích dẫn trung bình/công trình, hệ số ảnh hưởng (H-index) của các công trình khoa học của một quốc gia, thì A3 Ranking dựa trên tổng số công bố có trích dẫn và các giải thưởng quốc tế lớn mà các nhà khoa học của quốc gia đó có được (như Nobel, Field).

Theo dõi bảng xếp hạng Scimagor Country Ranking những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy Việt Nam luôn nằm trong top 60 của Bảng xếp hạng này và là 1 trong 5 quốc gia của khu vực Đông Nam Á thường xuyên góp mặt trong top 60 (cùng với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia).

TS. Nghiêm Xuân Huy 

Tương tự như vậy, ở Bảng xếp hạng A3, Việt Nam và các quốc gia này cũng đại diện cho khu vực nằm trong top 60. Các kết quả đạt được dĩ nhiên có đóng sự góp to lớn và chủ chốt của hệ thống GD ĐH Việt Nam. Các con số xếp hạng nêu trên đã ghi nhận sự tiến triển của nền GD nói chung, GD ĐH nói riêng cả ở khía cạnh hội nhập quốc tế và năng lực khoa học công nghệ.

Môi trường GD đòi hỏi cao về chất lượng, trách nhiệm giải trình, tính cạnh tranh đang được hình thành

- Như vậy, theo ông, những kết quả như trên xuất phát đâu?

Dĩ nhiên, trước hết, ở cấp vĩ mô, nhà nước, xã hội đã có sự quan tâm, đầu tư lớn cho GDĐH những năm gần đây. Những chuyển biến trong quan điểm, chính sách về tự chủ ĐH đang ngày càng có nhiều yếu tố tích cực, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhiều chính sách tự chủ ĐH đã được thể chế hóa, các trường ĐH đang ngày càng tích cực, chủ động hơn trong thực hiện sứ mệnh của mình. Một môi trường GD với đòi hỏi cao về chất lượng, trách nhiệm giải trình và tính cạnh tranh đang được hình thành, tạo ra động lực tốt để các cơ sở GDĐH cải tiến chất lượng, nâng cao uy tín và vị thế.

Ở cấp độ vi mô, tôi nghĩ kết quả xếp hạng như trên đến từ sự chuẩn bị căn cơ và nỗ lực của các trường ĐH trong hoạt động đảm bảo chất lượng nói chung, kiểm định chất lượng GD nói riêng.

Không chỉ có 117 trường ĐH đã được các trung tâm kiểm định chất lượng GD của Việt Nam công nhận đạt chuẩn chất lượng, có tới 165 chương trình đào tạo của các trường ĐH Việt Nam đã được Mạng lưới Đảm bảo chất lượng GD các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) kiểm định và cấp chứng chỉ. Việt Nam có 29 cơ sở giáo dục đại học là thành viên của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng của các trường đại học Đông Nam Á (trong đó có 3 trường là thành viên chủ chốt và 26 trường là thành viên liên kết).

Có 5 cơ sở GDĐH đã được tổ chức HCERES của Pháp kiểm định và công nhận đạt chuẩn chất lượng. Dĩ nhiên kết quả xếp hạng hay chất lượng đào tạo không chỉ đến từ những hoạt động này, nhưng sự chủ động, tích cực của toàn hệ thống trong tiếp cận các chuẩn mực chất lượng quốc tế là rất đáng khích lệ, nó tạo ra sức mạnh chung cho toàn hệ thống.

Trường ĐH Việt Nam đang có bước tiến tích cực trong quá trình hội nhập

- Trong Bảng xếp hạng QS Châu Á năm 2019, Việt Nam có 7 trường góp mặt trong top 500 (trong đó có 01 trường lần đầu được xếp hạng). Trước đó, trong Bảng xếp hạng QS thế giới năm 2018, Việt Nam có 02 cơ sở GD (ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM) nằm trong top 1000. Phải chăng các kết quả xếp hạng này thể hiện những tín hiệu tích cực của hệ thống ĐH Việt Nam trong hoạt động đào tạo, NCKH?

Từ các kết quả như vậy, có thể thấy các trường ĐH Việt Nam đang có bước tiến tích cực trong quá trình hội nhập.

Xếp hạng là một trong nhiều cách tiếp cận và đánh giá chất lượng GDĐH theo nguyên tắc đối sánh (benchmarking). Mỗi bảng xếp hạng đều có hệ thống tiêu chí đánh giá riêng.

Hệ thống xếp hạng của QS chú trọng vào đánh giá và phản hồi của cộng đồng đối với chất lượng đào tạo, nghiên cứu, cùng các đánh giá về năng lực hội nhập quốc tế, năng lực khoa học và công nghệ của các cơ sở GD ĐH.

Năm nay, tại bảng xếp hạng QS châu Á, ĐHQGHN vươn lên 15 bậc, từ vị trí 139 lên vị trí 124. ĐHQGHCM đứng vị trí 144 trong Bảng xếp hạng này. Nhóm hạng của các trường còn lại là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 261-270, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng) trong nhóm 291-300; Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 351-400, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế thuộc nhóm 451-500.

Sự tham gia ngày càng nhiều của các cơ sở GDĐH Việt Nam vào các bảng xếp hạng là một dấu hiệu tích cực, cho thấy các trường ĐH đã có những định hướng phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, đã có những thay đổi tích cực về chất trong đào tạo, nghiên cứu để tiếp cận trình độ của khu vực.

Riêng ĐHQGHN đã có một số chỉ số so sánh được với mặt bằng trung bình của các trường ĐH tốp 500 Châu Á, cụ thể là chỉ số về tỷ lệ sinh viên/giảng viên gần đạt mức trung bình (Châu Á: 12,4 – ĐHQGHN: 13,4). Đối với chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo, ĐHQGHN đã vượt qua được ngưỡng trung bình của khu vực (Châu Á: 4,5 lần/bài báo – ĐHQGHN: 5,1 lần).

Tất nhiên, như tôi đã nói phía trên, xếp hạng ĐH là một góc nhìn đối sánh về kết quả và chất lượng hoạt động của trường ĐH. Thông qua việc tham gia vào các bảng xếp hạng, các trường ĐH nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của mình ở một số khía cạnh quan trọng (chẳng hạn như uy tín cộng đồng, năng lực nghiên cứu và đào tạo, năng lực quốc tế hóa) trong tương quan với các trường trong khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở đó, các cơ sở GD sẽ có những sự điều chỉnh phù hợp để vừa nâng cao chất lượng hoạt động nội tại, vừa từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo và NCKH.

2 yếu tố giúp trường ĐH cải tiến chất lượng, nâng cao thứ hạng quốc tế

- Hiện nay vẫn có người chưa nhìn nhận được thấu đáo vai trò của xếp hạng ĐH và kiểm định chất lượng GDĐH. Các nội dung này tham gia như thế nào vào việc nâng cao chất lượng và thứ hạng các trường ĐH?

Thực ra, nếu nhìn câu chuyện đảm bảo chất lượng GDĐH trong một chỉnh thể thì xếp hạng và kiểm định chất lượng GD là 2 trong nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài (external quality assurance - EQA).

Trong khi đó, để một trường ĐH phát triển đúng sứ mệnh, thiên chức của mình thì phải duy trì hài hòa cả các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong (internal quality assurance - IQA).

IQA là các hoạt động đảm bảo về quy trình đào tạo, nghiên cứu, đảm bảo về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, đảm bảo và giám sát việc thực hiện các nguyên tắc GD và sư phạm trong trường ĐH. EQA và IQA là hai thành tố không thể tách rời trong công tác đảm bảo chất lượng ở các trường ĐH hiện nay.

Mục tiêu quan trọng nhất của xếp hạng ĐH là giúp các cơ sở GDĐH định vị mình trong mối tương quan với các cơ sở GDĐH khác ở một số chiều cạnh quan trọng như: NCKH, đào tạo, quốc tế hóa.

Từ đó đưa ra được những chỉ tiêu phát triển chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín trong cộng đồng. Dựa trên những thế mạnh của riêng mình, các trường ĐH có thể chủ động tham gia các hệ thống xếp hạng khác nhau để nhận diện vị thế của mình.

Mục tiêu tối thượng của kiểm định chất lượng là giúp các cơ sở GD nâng cao chất lượng GD chứ không thuần túy là để cấp một bản chứng nhận đạt chuẩn chất lượng.

Quá trình kiểm định là quá trình đánh giá chất lượng GD của một cơ sở GD ĐH thông qua những tiêu chí đánh giá chất lượng đã được công nhận và hệ thống hồ sơ minh chứng khách quan.

Kết quả quan trọng nhất của một đợt kiểm định là bản báo cáo đánh giá chất lượng cơ sở GD ĐH, trong đó chỉ rõ những mặt mạnh, những mặt cần khắc phục của cơ sở GD, nêu rõ những khuyến cáo cụ thể để cơ sở GD đó khắc phục những điểm tồn tại hạn chế, cải tiến chất lượng, thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Kiểm định thực chất là một khâu quan trọng trong tiến trình liên tục cải tiến chất lượng của cơ sở GD ĐH.

Như vậy, xếp hạng ĐH là một phương thức đối sánh để trường ĐH tham khảo và đặt ra các chỉ tiêu phát triển theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

Kiểm định chất lượng là phương thức đánh giá, khảo sát để nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình thực hiện sứ mệnh, mục tiêu GD của trường ĐH.

Cả hai yếu tố này vừa giúp trường ĐH liên tục cải tiến chất lượng toàn hệ thống, vừa tạo động lực để thực hiện các chỉ tiêu phát triển mũi nhọn, giúp trường ĐH nâng cao thứ hạng quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Người đăng: Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng giáo dục