Hội thảo cấp khoa về chủ đề "Thảm họa và ứng phó với thảm họa - Trường hợp COVID-19"
Ngày 10.07.2021, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội đã tổ chức Hội thảo cấp khoa về chủ đề "Thảm họa và ứng phó với thảm họa - Trường hợp COVID-19".
Kỷ yếu của Hội thảo năm nay thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên trong Khoa với hơn 19 bài viết được chia làm hai chủ đề chính, gồm: "Tác động của COVID - 19 đến xã hội và tình trạng khẩn cấp mới" và "Xu hướng thông tin và cách ứng phó với tình trạng khẩn cấp mới". Buổi hội thảo cũng được diễn ra với phần trình bày của 03 tham luận được chọn ra từ 03 Bộ môn.
Giảng viên Xuân Nhi, thuộc Bộ môn Công tác xã hội trình bày nghiên cứu với chủ đề "Một số khó khăn của sinh viên khi học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Nghiên cứu trường hợp đối với sinh viên ngành Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế". Tham luận là thành quả nghiên cứu trong thời gian ngắn của n hóm tác giả Bùi Quang Dũng, Nguyễn Thị Hoài Phương, Trương Thị Xuân Nhi thực hiện với 123 sinh viên.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, khi việc dạy học trực tuyến được công nhận trong tương lai, điều này cũng đồng nghĩa với việc phải tính đến các giải pháp và kế hoạch lâu dài hạn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả dạy học. Do đó, việc xác định những khó khăn và rào cản của người học trong quá trình học trực tuyến được xem là cần thiết để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực và nâng cao chất lượng học tập trực tuyến trong tương lai.
ThS. Tuấn Long, thuộc bộ môn Quản lý xã hội đem đến hội thảo một nghiên cứu thuộc lĩnh vực Tin học xã hội với chủ đề "Xu hướng tìm kiếm thông tin trên Google của người dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Nghiên cứu đưa ra lập luận rằng, trước sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam đã ban hành các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tụ tập đông người. Dưới tác động của Chính phủ, một số xu hướng hành vi tìm kiếm thông tin của người dân Việt Nam trước đây đã thay đổi và biến thiên theo nhịp độ phát triển của đại dịch. Thông qua việc khai thác bộ dữ liệu mã nguồn mở về sự tìm kiếm thông tin của người dùng Việt Nam từ tháng 01.2020 đến 06.2021 do Google cung cấp, nghiên cứu của ThS. Tuấn Long nhắm tới việc mô tả lại một cách hệ thống về sự thay đổi trong một số xu hướng tìm kiếm thông tin của người dân Việt Nam trước bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cuối cùng, ThS. Thanh Ngân, thuộc bộ môn Xã hội học trình bày một chủ đề được cho là nóng hổi nhất khi tình hình COVID-19 diễn biến ngày một khó lường hơn - vắcxin với tham luận "Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid - 19 của người dân hiện nay". Tuy chỉ mới thực hiện trên một mẫu khảo sát nhỏ, song tham luận của ThS Thanh Ngân cũng đưa ra một số khuyến nghị hữu ích sau:
Thứ nhất, người dân cần có sự chủ động tìm hiểu về tác dụng của vắcxin Covid đồng thời cần chuẩn bị tâm lý cho những rủi ro có thể xảy ra nếu có phản ứng với thuốc.
Thứ hai, Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành cần phải lên tiếng nhằm trấn an dư luận về những nghi ngờ đối với vắcxin đang được sử dụng hiện nay
Thứ ba, Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích của việc tiêm chủng vắcxin ngừa Covid đối với sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắcxin miễn dịch cộng đồng để người dân có thể nâng cao ý thức của mình về vấn đề này.
Đại dịch COVID-19 đem đến nhiều tác động tiêu cực và hệ lụy khôn lường cho đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa và xã hội của quốc gia. Đằng sau các nỗ lực giãn cách và bài toán vaccine chính là những bối cảnh xã hội cùng nếp sống cá nhân bị thay đổi một cách triệt để. Với tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học kết hợp với tư tưởng muốn biến nguy thành cơ - cán bộ giảng viên Khoa Xã hội học và Công tác xã hội đã đem đến hội thảo năm nay nhiều kết quả nghiên cứu đáng khích lệ, trực tiếp mở ra những hướng nghiên cứu mới về xã hội Việt Nam trước - trong và sau đại dịch này.
Hy vọng trong tương lai, những nghiên cứu của khoa Xã hội học và Công tác xã hội có thể được triển khai ở quy mô rộng lớn hơn, hấp dẫn hơn và thu hút được sự tham gia của nhiều lĩnh vực hơn; góp một phần công sức vào việc thấu hiểu xã hội từ đó đẩy nhanh được tiến trình hàn gắn vết thương mà đại dịch COVID-19 này đã gây ra.