Tin tức
Quyết tâm theo đuổi con chữ khi mang trong mình căn bệnh bẩm sinh
Từng có suy nghĩ bỏ học giữa chừng vì căn bệnh lùn tuyến yên bẩm sinh, nhưng hiện tại cô đã trở thành nữ sinh viên hai năm liền nhận danh hiệu sinh viên xuất sắc. Đó là Phạm Thị Kim Anh, sinh viên khoá K43 khoa Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Huế.
Là sinh viên từ quê ra thành phố học, mọi thứ vốn dĩ đã khó khăn nay lại càng khó khăn đối với một nữ sinh mang trong mình căn bệnh bẩm sinh. Được biết gia đình Kim Anh thuộc diện khó khăn của địa phương.
Phạm Thị Kim Anh, sinh viên khoá K43 khoa Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Huế |
Nhiều lần muốn bỏ cuộc
Từ khi biết được bệnh của mình, Kim Anh đã ý thức được thân thể mình không giống như bao bạn đồng trang lứa khác. Chính vì thế, ngay từ nhỏ cô bạn luôn tự ti về mình. Tính cách độc lập, sống thu mình của cô cũng bắt đầu từ đó.
“Mình đã rất nhiều lần nghĩ về chuyện có nên đi học nữa hay không, nhưng có lẽ khoảng thời gian chuẩn bị bước vào đại học là lúc mình muốn bỏ học nhất. Đó cũng là lúc mình thấy tự ti nhất và mặc cảm về bản thân của mình”, Kim Anh chia sẻ.
Có lẽ, đối với những người sinh ra bình thường thì vào Đại học là một việc khá dễ dàng nhưng đối với Kim Anh, đó là kết quả của một chặng đường miệt mài, nỗ lực hết mình của bản thân. Cô bạn không chỉ vượt qua những cái nhìn của người khác mà còn vượt qua cả chính căn bệnh của mình để theo đuổi con đường học vấn.
Cô bạn có một niềm say mê với con chữ |
“Lúc nhận thông báo trúng tuyển Đại học, mình vừa mừng vừa lo vì trường Đại học cách nhà mình gần 40km nên việc di chuyển là khá khó khăn đối với mình. Ba mẹ cũng không thể bỏ công việc đồng áng để đi theo mình vào Huế mãi được”, Kim Anh nhớ lại.
Dù đã bước vào năm thứ 3 đại học nhưng cô gái này chỉ có chiều cao bằng một học sinh tiểu học. Thân hình mất cân đối và nhỏ bé “lạ thường” nên Kim Anh thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người khi gặp cô.
“Ngày còn nhỏ, mình hay bị các bạn trong lớp bàn tán về sự khác thường của cơ thể. Điều đó khiến mình hay suy nghĩ và thấy ngại mỗi khi đi ra ngoài. Dần dần mình sợ tiếp xúc, ngại đám đông hơn. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi mình chập chững bước chân vào Đại học. Mọi thứ khi đó quá mới và quá khó khăn với mình. Ngay cả việc ngồi vào ghế cũng nhờ người khác mới có thể ổn định được. Lúc đó mình nghĩ, hay thôi mình nghỉ học để kiếm cái nghề phù hợp với bản thân hơn”, cô bạn kể.
Hai lần nhận bằng khen sinh viên xuất sắc
Đối với Kim Anh, việc đi học chuyên cần là một việc vô cùng khó khăn, đặc biệt là những ngày mưa gió. Căn bệnh bẩm sinh khiến hai chân cô bạn này trở nên đau nhức mỗi khi thời tiết thay đổi. Nhưng bỏ qua mọi đau đớn của bệnh tật, Kim Anh đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hai năm liền nhận bằng khen của trường và nhiều giấy khen của câu lạc bộ, Đoàn- Hội. Với cô bạn, đây là những “quả ngọt” đầu tiên trên hành trình theo đuổi con chữ của mình.
Mỗi tấm bằng khen là sự ghi nhận những nỗ lực của Kim Anh |
“Lần đó biết tin mình có tên trong danh sách sinh viên xuất sắc của trường, mình cảm thấy rất hạnh phúc vì đó là công sức và mồ hôi của mình, là kết quả mà mình đã kiên trì cố gắng mới có được. Đó là món quà mà mình muốn dành cho gia đình và thầy cô”.
Được nghe về những khó khăn mà cô trải qua trong hành trình vượt lên chính mình mới biết, để có được thành quả như hôm nay Kim Anh đã chịu nhiều áp lực như thế nào. Đi cùng với cô bạn trong hành trình ấy ngoài gia đình ra luôn có bóng dáng của người thầy cũ.
“Khoảng thời gian có suy nghĩ muốn gác lại việc học, mình đã nhớ về người thầy cấp ba. Thầy là người luôn động viên và truyền năng lượng, ý chí cho mình mỗi lần mình sắp bỏ cuộc. Nghĩ về thầy và gia đình, mình đã tự dặn bản thân phải vượt qua, phải bền bỉ và không được khuất phục trước bệnh tật”, Kim Anh nhớ lại.
Giảng đường Đại học là nơi tìm thấy bản thân
Thi hết cấp ba, trường Đại học Khoa học Huế là nơi mà cô bạn “hạt tiêu” này chọn dừng chân. Những ngày đầu đi học, mọi thứ ở môi trường mới trở nên xa lạ và khó khăn đối với cô.
“Mình học ở tầng 5, mỗi lần đi học là mỗi lần mình phải thật sự cố gắng. Có những lần, vừa đến phòng học là hai chân mình đau đến mất cảm giác và không thể tập trung nghe giảng được. Nhưng ở đây mình luôn nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Điều đó làm mình cảm thấy mình không cô đơn và phải nỗ lực hơn nữa”.
Kim Anh tích cực tham gia các hoạt động Đoàn- Hội |
Kim Anh kể thêm, các thầy cô trong trường luôn nhiệt tình giúp đỡ, động viên cô học tập, hỗ trợ cô bạn tham gia nhiều câu lạc bộ trong trường để cô cởi mở và tự tin hơn trước mọi người.
Chính sự quan tâm đó mà giờ đây, cuộc sống của cô bạn đầy gam màu hơn, không còn trống trãi và tự ti như trước. Như chính lúc này đây, cô đã tự tin kể với mọi người về hành trình chinh phục con chữ của mình.
Theo SVVN