Tin tức
Hội thảo quốc tế "Các bên liên quan và khả năng hợp tác xây dựng thành phố thông minh bền vững ở Việt Nam"
Sáng 1/10 Khoa Môi trường – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (ĐHKH, ĐH Huế) thành viên của Dự án Liên minh mạng lưới các đô thị Việt Nam thông minh bền vững (SAUNAC) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Các bên liên quan và khả năng hợp tác xây dựng thành phố thông minh bền vững ở Việt Nam” – là dự án có sự tham gia hợp tác của 6 trường đại học Việt Nam và 5 trường đại học Châu Âu.
Đây là hội thảo nhằm nhìn lại những thành tựu của dự án đạt được trong hơn 3 năm qua và mở rộng hợp tác với các bên liên quan trong xây dựng các thành phố thông minh bền vững ở Việt Nam. Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; PGS. TS. Huỳnh Văn Chương – Phó Giám đốc Đại học Huế; PGS. TS. Hoàng Văn Hiển – Hiệu trưởng Trường ĐHKH, ĐH Huế và gần 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đến phát triển đô thị thông minh bền vững ở khu vực miền Trung đã đến tham dự hội thảo.
Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam, những năm gần đây đã tạo nên sức ép và tác động tiêu cực đến môi trường, hệ thống hạ tầng và phát triển bền vững đô thị như các vấn đề về kinh tế, văn hóa và xã hội. Do đó, dự án SAUNAC được thực hiện, nhằm giải quyết các nhu cầu cấp bách của xã hội và kiến tạo nên cách tiếp cận mới cho việc xây dựng thành phố Việt Nam thông minh và bền vững.
Toàn cảnh buổi hội thảo (ảnh Thái Bình – báo Thừa Thiên Huế)
Tại hội thảo các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung: Thành phố thông minh - Lý thuyết và vận dụng thực tế; Xây dựng các chỉ số áp dụng cho các thành phố thông minh ở Việt Nam… Là một trong 6 trường đại học tham gia các dự án, PGS. TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐHKH, ĐH Huế cho biết, trong nỗ lực chung của cả nước, Thừa Thiên Huế được xem là địa phương xây dựng và triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đầu tiên của Việt Nam. Do vậy, các hoạt động tích cực của dự án SAUNAC trong thời gian qua là những đóng góp tiên phong, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển đô thị Việt Nam thông minh, bền vững. Việc xây dựng mối liên kết giữa chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân và trường đại học nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội là xu hướng tất yếu. Hiện, Trường ĐHKH, ĐH Huế đã và đang có những động thái thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế bằng thiết lập với nhiều đại học trên thế giới về nghiên cứu, đào tạo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định thông tin về quan điểm phát triển tổng thể, Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng trở thành Đô thị di sản theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; xứng tầm là đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực.
Các đại biểu tham dự hội thảo (ảnh N.Đ. Hoàng Long)
Chiều 01/10, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với Trường ĐHKH, ĐH Huế đã có buổi làm việc giữa các thành viên dự án SAUNAC và lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế về nhu cầu xây dựng thành phố thông minh bền vững.
Tại buổi làm việc, Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc xây dựng mối liên kết giữa chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân và trường đại học nhằm tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế xã hội là xu hướng tất yếu. Vì vậy, tỉnh đánh giá cao mục tiêu của dự án SAUNAC là xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận nhu cầu xã hội, thay đổi phương pháp giảng dạy hiện đại, liên kết với các bên liên quan trong hỗ trợ giảng dạy, giải quyết các vấn đề thực tế ở các địa phương có dự án hoạt động, trong đó có Thừa Thiên Huế. Đây là mô hình mà chính quyền địa phương đang nỗ lực xây dựng hướng tới đô thị thông minh bền vững.
Dự án Liên minh mạng lưới các đô thị Việt Nam thông minh bền vững (SAUNAC) tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế với mục tiêu quan trọng là chuyển giao các phương pháp dạy học sáng tạo theo cách tiếp cận học tập mới nhằm mục đích phát triển năng lực đổi mới của các cá nhân và tập thể. Tiềm năng của dự án SAUNAC là các chương trình học tập cho các thành phố bền vững thông minh; kết nối với các bên liên quan từ địa phương; đưa ra những thách thức về môi trường toàn cầu; chia sẻ góc nhìn về các thành phố bền vững; và các phương pháp học tập sáng tạo mới.
Kết thúc 3 ngày làm việc tại Huế, với nhiều ý kiến đóng góp từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các bên liên quan khác, các thành viên dự án đang xúc tiến để đề xuất một một số hoạt động mới nhằm đáp ứng một cách có hiệu quả nhu cầu xây dựng thành phố thông minh bền vững tại Việt Nam.
Khoa Môi trường (tổng hợp)
Bản tin về hội thảo trên các cơ quan truyền thông TW và địa phương
Thông tấn xã Việt Nam https://bit.ly/31NYdCV
Tin tức Việt Nam https://bit.ly/2LU1GdD
Báo Giáo dục và Thời đại https://bit.ly/2OmXOU9
Báo Thừa Thiên Huế https://bit.ly/2ViZWO9
Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế https://bit.ly/31PWX2g