Tin tức
Nghiệm thu đề tài do ThS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, CBGD Khoa Địa lý – Địa chất làm chủ nhiệm đề tài.
Sáng 28/10, Trường Đại học Khoa học Huế đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài “ Đánh giá tài nguyên đất xây dựng phục vụ quy hoạch thành phố Huế đến năm 2020” do ThS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, CBGD Khoa Địa lý – Địa chất làm chủ nhiệm.
Với mục tiêu là đánh giá điều kiện địa chất công trình, phân chia các kiểu cấu trúc nền đất khu vực thành phố Huế. Định lượng hoá và phân vùng tài nguyên đất xây dựng khu vực thành phố Huế. Kiến nghị những giải pháp định hướng về quy hoạch, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý phụ kiểu cấu trúc nền trong thiết kế, thi công công trình.
Qua quá trình nghiên cứu của đề tài, tác giả đã rút ra được một số kết luận sau:
- Tài nguyên đất xây dựng là quỹ đất dành cho xây dựng (làm nền cho các công trình xây dựng hoặc môi trường bao quanh công trình) và làm vật liệu xây dựng. Khu vực thành phố Huế tồn tại hai dạng địa hình chính: địa hình đồi núi thấp và địa hình vùng đồng bằng cửa sông. Cấu trúc nền đất khu vực thành phố Huế rất phức tạp, không đồng nhất theo diện và độ sâu. Các thành tạo địa chất có thành phần, cấu trúc, tính chất riêng và có mặt từ đất mềm yếu có chứa hữu cơ tuổi Holocen, hệ tầng Phú Bài và hệ tầng Quảng Điền (tuổi Pleistocen) đến đá cứng thuộc hệ tầng Tân Lâm, hệ tầng CòBai. Nhìn chung khu vực nghiên cứu có địa hình - địa mạo tương đối đơn giản, các thành tạo đất đá trong khu vực nghiên cứu có tính chất cơ lý đáp ứng được khả năng xây dựng ở các mức độ khác nhau thuận lợi cho quy hoạch thành phố và xây dựng công trình.
- Giới hạn chiều sâu của nước dưới đất tồn tại chủ yếu trong các tầng chứa nước Holocen và Pleistocen. Mực nước ngầm phân bố nông (thường bắt gặp ở độ sâu 2m), do đó cần lưu ý các hiện tượng như nước chảy vào hố móng , cát chảy và hiện tượng hóa lỏng của tầng cát bụi dưới tác dụng của tải trọng động.
- Tác động của hệ thống kỹ thuật đô thị làm biến đổi môi trường địa chất và do đó tác động trở lại việc sử dụng tài nguyên đất xây dựng khu vực thành phố Huế. Vì vậy, khi khai thác tài nguyên đất xây dựng không những phải nắm bắt được tất cả những đặc điểm quyết định tới tính năng làm nền của nó mà còn phải dự báo được các quá trình địa chất công trình phát sinh do tác động của hệ kỹ thuật đô thị.
- Trên nguyên tắc là xét khả năng ổn định của nền đất đối với tác động từ bên ngoài đã phân vùng nghiên cứu được chia thành 3 kiểu, 4 phụ kiểu và 3 dạng cấu trúc nền công trình. Trong đó kiểu cấu trúc nền I chiếm phần lớn diện tích vùng nghiên cứu. Đối với kiểu cấu trúc nền I, II tuỳ theo tải trọng và quy mô công trình mà lựa chọn giải pháp móng nông, móng sâu kết hợp tường chắn bên trong bằng cọc ximăng, cọc bêtông cốt thép, cọc khoan nhồi hoặc móng cọc (cọc chống, cọc ma sát). Kiểu cấu trúc nền III có khả năng chịu tải khá tốt, có thể đặt móng công trình trên nền đất thiên nhiên mà không cần đến các giải pháp cải tạo đất.
- Vật liệu xây dựng thiên nhiên trong khu vực nghiên cứu rất phong phú gồm: đá xây dựng, sét gốm sứ, sét xi măng, sét gạch ngói, đá carbonat đều đảm bảo trữ lượng và chất lượng khai thác. Tuy nhiên, cần nghiên cứu và đánh giá nghiêm túc vấn đề khai thác sử dụng hợp lý vật liệu xây dựng thiên nhiên vào mục đích xây dựng.