Trường Đại học Khoa học: lịch sử xây dựng và phát triển
Trường Đại học Khoa học: lịch sử xây dựng và phát triển
Trong lịch sử phát triển hàng trăm năm của nền giáo dục Huế, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là một điểm sáng đáng chú ý với bề dày truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển (1957 - 2022). Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường đã sớm xác lập ảnh hưởng, khẳng định uy tín và vị thế của một trong những trường đại học đầu tiên của miền Nam Việt Nam, mang đậm dấu ấn của vùng đất Cố đô đẹp và thơ, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và đấu tranh cách mạng. Từ đó đến nay, ảnh hưởng, uy tín, vị thế và bản sắc đó đã được lớp lớp thế hệ thầy trò kế thừa và phát huy xứng đáng dẫu rằng trong quá trình phát triển đã gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của bối cảnh trong nước và quốc tế.
Trải qua chặng đường 65 năm với những tên gọi khác nhau, quá trình xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học (ĐHKH) được khẳng định qua ba giai đoạn chính.
Giai đoạn thứ nhất: từ những ngày đầu thành lập đến trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Tiền thân của Trường ĐHKH là Ban Văn khoa và Ban Toán học đại cương thuộc Viện Đại học Huế thành lập ngày 01/3/1957. Qua hai năm hoạt động, do nhu cầu và xu thế phát triển, ngày 21/02/1959, Trường ĐHKH được thành lập trên cơ sở Ban Toán học đại cương và Trường Đại học Văn khoa (ĐHVK thành lập trên cơ sở Ban Văn khoa). Đội ngũ giảng viên ban đầu của hai trường khá ít ỏi, chủ yếu là những người được đào tạo ở nước ngoài, dần dần đã được bổ sung, tăng cường từ nhiều nguồn. Cùng với đó, số lượng sinh viên, học viên không ngừng gia tăng theo từng năm; vai trò của nhà trường cũng dần được mở rộng. Những thành quả bước đầu trên nhiều lĩnh vực đã góp phần khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường. Tất cả đã tạo nên nền móng quan trọng cho sự khôi phục, phát triển và lớn mạnh của nhà trường sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất. Đây cũng là giai đoạn ghi nhận sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi của sinh viên vào các phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng. Từ trong phong trào sinh viên đã xuất hiện những tấm gương chiến đấu, dũng cảm hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Giai đoạn thứ hai: xây dựng và củng cố sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định số 426/TTg sáp nhập ĐHVK và ĐHKH thuộc Viện Đại học Huế thành Trường Đại học Tổng hợp Huế (ĐHTH) trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Lúc mới sáp nhập, Trường ĐHTH Huế chỉ có ba khoa ghép (Toán - Lý, Hoá - Sinh - Địa, Văn - Sử); đến năm 1978, các khoa Tại chức, Ngoại ngữ, cùng hai bộ môn Mác - Lênin, Thể dục - Quân sự được thành lập (giai đoạn 1980 - 1988, các khoa được tách độc lập, các bộ môn phát triển thành khoa, đồng thời các khoa mới tiếp tục được thành lập). Thời kì chuyển tiếp với muôn vàn khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, tập thể nhà trường đã nỗ lực đào tạo chuyển tiếp cho 440 sinh viên của Viện Đại học Huế, đồng thời tích cực chuẩn bị tuyển sinh hệ chính quy mới. Kết quả đó đã góp phần đáp ứng nhu cầu cán bộ khoa học phục vụ đất nước trong những năm đầu giải phóng và trong thời kì phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất. Những năm 1976 đến 1994 chứng kiến sự thăng trầm trong lịch sử xây dựng và phát triển của nhà trường trước tác động sâu sắc của bối cảnh trong nước và quốc tế. Trong những năm tháng không thể nào quên này, các thế hệ thầy trò Trường ĐHTH Huế đã vượt qua muôn vàn khó khăn của điều kiện kinh tế, hoàn cảnh chiến tranh, đồng cam cộng khổ thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao quý vừa giảng dạy, học tập, lao động, sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Tất cả đã tạo tiền đề, cơ sở để đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường ngày càng phát triển vững chắc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.
Giai đoạn thứ ba: hội nhập và phát triển (1994 - 2022). Năm 1994, theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, Chính phủ kí ban hành Nghị định 30/CP ngày 04/4/1994, về việc tổ chức sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, Trường ĐHTH Huế đổi tên thành Trường ĐHKH thuộc Đại học Huế. Đây là thời điểm đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của nhà trường. Đội ngũ không ngừng lớn mạnh, cơ cấu tổ chức ngày càng hoàn thiện, các chuyên ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học được mở rộng, nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế đạt được những dấu ấn đáng tự hào, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị liên tục được đầu tư theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức, người lao động được cải thiện đáng kể… Đặc biệt, trong hai năm 2020, 2021 và quý I năm 2022, Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống, song với sự đoàn kết nhất trí của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động cũng như sinh viên, Trường ĐHKH đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược kịp thời, phù hợp, linh hoạt đã được áp dụng và đạt kết quả bước đầu khá tốt. Chỉ tính từ năm 1976 - 2022, Trường đã đào tạo tốt nghiệp hơn 45.900 sinh viên các hệ, hơn 1.030 học sinh khối Chuyên, hơn 4.080 học viên cao học và hơn 130 nghiên cứu sinh. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ thầy cô giáo và sinh viên, Trường ĐHKH đã được xã hội tín nhiệm, được Đảng, Nhà nước và Chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đánh giá cao và tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Chặng đường 65 năm qua ghi dấu sự đóng góp quan trọng về sức lực, trí tuệ, tinh thần, vật chất của nhiều thế hệ thầy cô giáo và sinh viên của Trường từ những ngày đầu thành lập. Trong quá trình phát triển ấy cũng không thể không nhắc đến sự quan tâm chỉ đạo, sự động viên, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo; sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc, các đối tác trong và ngoài nước.
Những thành quả trên là “viên gạch hồng” góp phần bồi đắp cho truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển Trường ĐHKH. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của các thế hệ thầy trò hôm nay hướng tới xây dựng trường học sáng tạo - nhân văn - thích ứng, nơi khơi nguồn sáng tạo tri thức - gắn kết thực tiễn - kiến tạo tương lai, được xã hội tin tưởng, khẳng định.